Làm gì để tránh bị nhọt?

26 thg 9, 2012
        Tôi 37 tuổi, rất hay bị nhọt, khi thì ở mông, khi thì ở chân. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và cách phòng tránh mụn nhọt.
Hoàng Thị Hà (Nghệ An)
Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra mụn nhọt. Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng dần. Chỗ mọc nhọt, da nóng, đỏ và đau. Vài ngày sau, trên nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ có mủ chảy ra, ở giữa có ngòi. Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt. Vị trí nhọt ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Để điều trị các mụn nhọt thông thường, bạn chỉ cần bôi thuốc sát khuẩn như betadine, cồn iode 3% hoặc nước muối đặc. Khi nhọt đã “chín” thì chích mủ, nhưng phải đảm bảo vô khuẩn, tuyệt đối không được nặn nhọt non. Trong trường hợp nhọt to có sốt cao hay bị đinh râu, hậu bối có nhiễm khuẩn thì phải sử dụng kháng sinh liều cao và được điều trị tại bệnh viện.
Để phòng mụn nhọt, ta phải giữ vệ sinh thân thể như giặt quần áo, thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là về mùa hè, sau khi lao động nơi bụi bẩn. Cần thường xuyên rèn luyện thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Không gãi và nặn mụn nhọt, nhất là đinh râu, vì nặn làm tổn thương hàng rào bảo vệ, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.         
      Theo BS. Nguyễn Lan Anh(SKDS)
Tags: , , , , ,
Hãy like nếu bài viết có ích →