HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DƯỢC THƯ QUỐC GIA VIỆT NAM

2 thg 3, 2014
 Nhiều nước trên thế giới xuất bản Dược thư quốc gia. Một số nước chỉ soạn thảo Dược thư quốc gia ngắn gọn loại bỏ túi để giúp thầy thuốc tra cứu khi làm việc. Dược thư quốc gia Việt Nam là sách hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả do Bộ Y tế ban hành. Dược thư quốc gia Việt Nam lần xuất bản thứ nhất được biên soạn trong khuôn khổ chương trình hợp tác y tế Việt Nam-Thụy Ðiển theo một quy trình chặt chẽ để cung cấp cho các bác sỹ, dược sỹ và cán bộ y tế các thông tin về thuốc nhằm hướng tới sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.

Trên 500 dược chất trong số 900 dược chất có trong hơn 10.000 dược phẩm lưu hành trên thị trường Việt Nam đã được trình bày trong cuốn Dược thư quốc gia, bao gồm: Thuốc thiết yếu và một số thuốc chuyên khoa.

Dược thư quốc gia Việt Nam được chia thành ba phần:

Phần một: Các chuyên luận chung như sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh, nguyên tắc sử dụng thuốc ở trẻ em...

Phần hai: Các chuyên luận của 500 dược chất được trình bày theo thứ tự bảng chữ cái và theo tên gốc (tên chung quốc tế). Mỗi chuyên luận đều được trình bày theo bố cục thống nhất như sau:

1. Tên chuyên luận thuốc: Là tên viết theo tên thuốc gốc đã được Việt Nam hóa theo nguyên tắc của Bộ Y tế. Tên thương mại của thuốc được đưa vào mục lục theo vần chữ cái và quy về tên gốc để tiện tra cứu. Với những thuốc có quá nhiều tên thương mại chỉ giới thiệu một số tên phổ biến. Các tên thương mại của thuốc trong nước được giới thiệu ưu tiên cho những sản phẩm của các xí nghiệp dược phẩm đã đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc.

2. Tên thuốc viết theo INN (International Nonproprietary Name) viết theo tiếng Anh.

3. Mã ATC (The Anatomical Therapeutic Chemical Code).

4. Loại thuốc: Phân loại theo nhóm tác dụng.

5. Dạng thuốc và hàm lượng: Dạng bào chế hiện có trên thị trường và hàm lượng.

6. Dược lý và cơ chế tác dụng: Trình bày tác dụng dược học, dược động học và cơ chế tác dụng.

7. Chỉ định: Cung cấp thông tin để lựa chọn hợp lý về thuốc.

8. Chống chỉ định: Nêu các trường hợp cần tránh dùng thuốc.

9. Thận trọng: Các trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc, ví dụ đối với người cao tuổi, người có bệnh về gan, thận v. v.

10. Thời kỳ mang thai.

11. Thời kỳ cho con bú.

12. Tác dụng không mong muốn (Adverse drug reactions: ADR): Bao gồm những phản ứng phụ và các phản ứng đối nghịch có hại. Trong phần này chia làm ba loại theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới: Loại thường gặp là ADR xảy ra trên 1 phần trăm số người dùng thuốc, loại ít gặp là ADR xảy ra dưới 1 phần trăm và lớn hơn 1 phần nghìn số người dùng thuốc, loại hiếm gặp là ADR xảy ra dưới 1 phần nghìn số người dùng thuốc.

13. Hướng dẫn cách xử trí ADR.

14. Liều lượng và cách dùng:

Liều lượng ghi trong Dược thư nhằm hướng dẫn chung về liều lượng thông thường, dùng cho người lớn và trẻ em theo đường uống, trừ trường hợp có ghi rõ đường dùng khác. Thầy thuốc có thể cho cao hơn hoặc thấp hơn liều thông thường để đạt được tác dụng điều trị tối ưu ở từng người bệnh cụ thể. Ở một số chuyên luận thuốc có ghi cả liều giới hạn khi kê đơn (ở người lớn hoặc trẻ em) chủ yếu để hướng dẫn dược sỹ yêu cầu thầy thuốc xác nhận liều đã kê cao hơn liều bình thường.

15. Tương tác thuốc: Khi sử dụng cùng một lúc hai hoặc nhiều thuốc thường dễ xảy ra tương tác thuốc dẫn đến hiện tượng đối kháng hoặc hiệp đồng. Tác dụng đối kháng là hiện tượng một thuốc có thể làm giảm (hoặc mất) tác dụng của thuốc khác khi dùng đồng thời; ngược lại là tác dụng hiệp đồng (có khi tác dụng tăng cường đến mức gây độc cho người bệnh). Vì vậy cần thận trọng và khi thật cần thiết mới dùng chung các thuốc đó với nhau.

16. Ðộ ổn định và bảo quản.

17. Tương kỵ: Thuốc không được trộn lẫn với thuốc khác vì xảy ra phản ứng ngoài cơ thể.

18. Quá liều và xử trí.

19. Thông tin quy chế: Ðối với các thuốc và dạng thuốc có trong DTQGVN.

Trong một số chuyên luận thuốc, nếu một mục chưa có đầy đủ thông tin cần thiết thì sẽ được bỏ qua.

Phần ba: Các phụ lục bao gồm: Bảng xác định diện tích bề mặt thân thể người từ chiều cao và cân nặng; phân loại các thuốc trong Dược thư quốc gia theo mã phân loại điều trị - giải phẫu - hóa học (ATC).

Các thông tin trong Dược thư quốc gia Việt Nam được tham khảo từ các sách giáo khoa về dược lý, các tài liệu hướng dẫn dùng thuốc và phác đồ điều trị chuẩn của Bộ Y tế và Tổ chức y tế thế giới, các sách hướng dẫn sử dụng và điều trị có uy tín trên thế giới như: Goodman & Gilmans The Pharmacological Basis of Therapeutics; Martindale, British National Formulary (BNF); Drug information (AHFS); Drug information For The Health Care Professional (USPDI); Physicians Desk Reference (PDR)... nhằm đảm bảo tính khoa học chính xác, cập nhật và thực tiễn.


Trong bối cảnh nền y học và dược học đang phát triển nhanh chóng, lần đầu tiên ở Việt Nam tổ chức biên soạn Cuốn Dược thư quốc gia Việt Nam, vì vậy khó tránh khỏi thiếu sót. Ban biên soạn mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp để các lần xuất bản tiếp theo, Dược thư quốc gia Việt Nam có chất lượng cao hơn.
Tags: , ,
Hãy like nếu bài viết có ích →